Cấu trúc cơ bản của một lá số trong Chiêm Tinh
Một lá số chiêm tinh được chia làm 3 phần: 12 cung Địa Bàn, 12 cung Hoàng Đạo và các Hành Tinh
1-12 cung Địa bàn (Houses)
12 cung địa bàn được coi là 12 khu vực chính mà chúng ta hoạt động trên Trái Đất, chúng liên quan đến các Danh Từ chỉ về:
1 Who: Con Người
2 What: Đồ Vật, Sự Vật
3 Where: Địa Điểm
4 When: Thời gian
Ví dụ: Cung 4 sẽ đại diện cho những người thân trong gia đình của bạn như bố mẹ, hoặc những người mà bạn coi là người thân.
Mỗi cung Địa Bàn bắt đầu từ 1 vạch nối từ trung tâm của lá số ra ngoài vòng tròn. Vạch đen này được gọi là các Nóc Cung. Nóc Cung được tính ở đầu mỗi cung tính theo chiều ngược chiều kim đồng hồ.
2-12 cung Hoàng Đạo (Zodiacs)
12 cung Địa Bàn đại diện cho các Danh Từ, là những thứ mà chúng ta tương tác.
Còn 12 cung Hoàng Đạo lại trả lời câu hỏi "How", là Động Từ và Tính Từ, đại diện cho Thái Độ mà ta ứng xử với Cung Địa Bàn mà nó có mặt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là Thái Độ biểu lộ ra mà chưa phải Hành Động cụ thể.
Ví dụ: Cung 3 liên quan tới giao tiếp, Bạch Dương liên quan tới tốc độ nhanh. Nóc cung 3 là Bạch Dương sẽ dẫn đến việc người đó giao tiếp một cách nhanh chóng, nhiều khi không suy nghĩ và hay "nhảy vào mồm" người khác.
Ngoài ra, để có thể xác định được vị trí trên lá số một cách chính xác nhất, mỗi cung Hoàng Đạo luôn có độ lớn là 30 độ và có trình tự cố định, luôn bắt đầu ở Bạch Dương và kết thúc ở Song Ngư.
Khác với các cung Hoàng Đạo, các cung Địa Bàn có thể có số độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn 30 độ (Đối với lá số thường dùng là lá số Placidus)
3-Các Hành Tinh (Planets) và các Góc Chiếu (Aspects)
Nếu như các cung Hoàng Đạo nói về Thái Độ ứng xử của ta đối với Sự Vật, Sự việc tương ứng. Thì các Hành Tinh là Hành Động được thể hiện ra một cách cụ thể.
Ví dụ: Sư Tử đại diện cho cách thức "thả thính" để được mọi người chú ý, nhưng hành động cụ thể để gây chú ý thì lại nằm ở chỗ Chủ Tinh của nó là Mặt Trời.
Ngoài ra, trên lá số còn có các đường màu Xanh, Đỏ và một số màu khác kết nối các Hành Tinh với nhau. Vì các Hành Tinh có mang Năng Lượng, nên khi chúng có sự kết nối về mặt Năng Lượng thì chúng tạo ra các Góc Chiếu (Aspect) và có sự kết hợp về Năng Lượng với nhau.
Ví dụ: Nếu Sao Hỏa (Hoạt động cơ bắp) có góc chiếu với Sao Thủy (Trí não) thì một người có thể vừa làm vừa nghĩ. Nếu ko có, nhiều khả năng người đó chỉ có thể nghĩ trước khi làm hoặc làm xong rồi mới suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, màu sắc của từng loại Góc Chiếu còn đại diện cho độ Dễ và Khó để có thể kết hợp được 2 loại hoạt động đó với nhau.
Ví dụ: Sao Thủy và Sao Hỏa nếu có góc chiếu Xanh, vậy thì trong điều kiện bình thường là đã có thể vừa làm vừa nghĩ. Nhưng nếu là góc chiếu Đỏ, như thế chỉ trong trường hợp khó khăn, khẩn cấp mới có thể vừa làm vừa nghĩ.